Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Lớp VIP ở trường phổ thông.

Hôm nay rảnh, lần mò đọc báo quê hương, chủ yếu là Vietnamnet, thấy nói về chuyện cho phép thành lập lớp học VIP ở trường phổ thông (!!!) Chẳng hiểu các nhà mô phạm mình suy nghĩ ra răng nữa. Bó tay toàn tập.

Có vẻ như người ta nghĩ rằng dùng tiền mua mọi thứ cho con là thể hiện đẳng cấp? Có cầu thì có cung, đó là quy luật thương mại, nhưng giáo dục là phạm trù khác cơ mà...

Có vẻ như người ta muốn trải nệm nhung cho mỗi bước chân của con cái mà không biết rằng vấp ngã là một quá trình cần thiết để trưởng thành ?

Nhân chuyện này thấy nhớ ba mẹ quá!

Ngày xưa, đôi lúc tôi cũng dao động khi nghe người khác nói "ba mẹ ham làm giàu bỏ bê tội nghiệp quá..." Những lời này, người ta nói vì cho rằng thương xót tôi và cho... vui miệng (!) Ở tuổi lên 10-12 còn cạn nghĩ, dễ bị tác động, tôi đã thấy tủi thân khi nhìn tận mắt bà mẹ tắm cho cậu con trai 18 tuổi bị vá màng nhĩ, bị thủng do viêm tai trong lâu ngày, tại nhà tôi (dù tôi thầm nghĩ, đau tai thì vẫn có thể... tự tắm được, nếu là tôi thì... trừ phi tôi bị liệt...) và luôn miệng kêu... tội nghiệp tôi vì phải "tự làm mọi chuyện" khi chỉ có "tí tuổi đầu"... Tôi bỗng thèm muốn được như chàng trai đó, được nâng niu, được chăm sóc mọi chuyện và... chỉ hưởng thụ, không làm gì cả...

Lẽ ra tôi phải tự hào vì mình đã được rèn dũa tính độc lập từ khi còn bé tí teo ; lẽ ra tôi phải thấy rằng ba mẹ tôi không bao giờ để tôi bị viêm tai mà không biết, để đến nỗi thủng màng nhĩ, hay những thứ đại loại như thế, vì mọi chuyện luôn được trù tính từ xa lắc trước khi tôi biết; lẽ ra tôi phải hiểu rằng việc bọc con cái trong nhung lụa và luôn coi chúng như một thứ búp bê vô tri hoặc thiên thần bé bỏng yếu ớt mà không coi sóc đến tinh thần của chúng và dùng đồng tiền để bao biện cho sự vô trách nhiệm của mình là một thứ tội ác.

Vậy mà khi ấy, tôi chỉ thấy giận ba mẹ, rồi suy nghĩ vẩn vơ sai lệch...

Ôi, những lời nói tưởng như vô tình của người ngoài cuộc đã gây bao điều tồi tệ cho một đứa trẻ ngoan và một gia đình êm ấm. May mà cha mẹ tôi là người hiểu biết và từng trải. Họ cũng đã nghe những lời đó và hiểu tôi nghĩ gì. Trong năm đó, ba mẹ đã thu gọn quy mô sản xuất, bán đi công ty vừa xây dựng mới ở quá xa khiến họ mất nhiều thời gian, và dành thời gian cho tôi và em tôi. Ba mẹ không la mắng, quát tháo hay giận dữ, chỉ lặng lẽ làm những việc cần làm. Chính điều đó khiến tôi thấy có lỗi nhiều hơn...

Mỗi ngày trôi qua, tôi nhận ra nhiều điều. Tôi nhận ra mình biết tổ chức mọi thứ tốt hơn bạn bè đồng trang lứa. Tôi làm chủ được việc chi tiêu của bản thân không bao giờ sa đà. Tôi biết phân biệt thế nào là thứ mình cần và thứ mình muốn. Tôi biết giới hạn ước muốn để có thể thực hiện được. Kết quả là tôi trở thành thủ lĩnh tinh thần của bạn bè dù tôi không muốn. Tôi trở thành một người bình thường như bao người, biết tự chủ, biết ơn cuộc đời và trân trọng con người. Tôi đang và sẽ luôn là một người có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng...

Điều đó là do sự rèn dũa của ba mẹ tôi. Khi tôi vấp té, ba mẹ tôi thản nhiên động viên "đứng lên đi con, lần sau chú ý hơn nhé...". Mỗi khi đi xa, tôi và em tôi tự xếp đồ, mỗi đứa một ba lô riêng và ba mẹ chỉ hỏi : "Xong chưa con, xem lại lần cuối coi còn thiếu gì không?" Mỗi năm cuối cấp, tôi được hỏi "sắp tới muốn vào trường nào, trường đó cần bao nhiêu điểm, con sẽ làm gì để đạt điều đó?" và tôi tự lên kế hoạch, ba mẹ sẽ hổ trợ tốt nhất có thể. Chưa bao giờ tôi không đạt điều mình muốn. Điều tôi muốn chứ không phải điều ba mẹ tôi kỳ vọng, ba mẹ tôi luôn nói "con học cho con, vì con, không phải cho ba mẹ, vì ba mẹ"

Vào đầu cấp 3, trường tôi có tổ chức thi để tuyển lớp chuyên, ba mẹ không để tôi thi. Theo quan niệm của họ, môn nào cũng là môn chính, việc tuyển chọn "gà đá" cho danh tiếng của trường và chú trọng đến những môn cho kỳ thi tuyển đại học khiến cho học sinh học lệch là phản giáo dục. Theo ba mẹ tôi thì văn sử địa cũng quan trọng như toán lý hóa, thực ra thì còn có phần quan trọng hơn trong cuộc sống thường nhật. Bây giờ tôi thấy quan điểm này thật đúng.

Ba mẹ cũng dạy tôi hòa đồng với bạn bè, dạy tôi biết san sẻ với những bạn kém may mắn, dạy tôi trân trọng những giá trị tinh thần, dạy tôi đánh giá con người qua phẩm chất và năng lực của họ không phải qua những gì gia đình họ có...

Những đứa trẻ lớp VIP đó sẽ học được điều gì? Rằng nó ưu việt từ khi mới sinh vì gia đình nó giàu có ? Nó sẽ nhìn đời theo lăng kính méo mó của danh vọng và vật chất? Rồi đây liệu nó có biết yêu thương hay chỉ yêu bản thân và tiền tài? Nó sẽ trở thành người như thế nào khi quyền lực chuyển giao theo kiểu cha truyền con nối? Nó sẽ làm gì một khi gia đình không còn giàu sang để cho nó hưởng những tiện nghi vật chất ấy nữa?

Nghĩ vẩn vơ lại thấy buồn vu vơ...

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

entry 23/10/2012 - Giáo sư và lương

Mỗi ngày trôi qua, tôi hiểu hơn về tấm lòng cha mẹ. Bây giờ tôi không còn cảm giác "lưu đày biệt xứ" nữa, hơn thế, tôi tri ân sự hy sinh của cha mẹ để tôi có thể du học. Năm năm ở nước Mỹ tôi đã nghiệm ra nhiều điều...

Hôm nay, nghe tin một người quen, là một người Mỹ gốc Việt mà tôi chẳng mấy ấn tượng, hiện đang giảng dạy môn Triết (Philosophy) bằng tiếng Anh tại một trường đại học dân lập ở VN, tôi thật sự sửng sốt. Một kẻ thích lang thang như dân hippy xưa trên xe motorbike, tiếng Việt không rành và tiếng Anh (theo tôi) cũng chẳng giỏi, học hành làng nhàng, chỉ vừa xong associate degree và không có chút kỹ năng sư phạm nào lại có thể đứng lớp giảng dạy cho sinh viên VN trong chương trình được đặt tên là "quốc tế" với mức lương 20 dollar cho một tiết học 45 phút. Anh ta nói "chỉ" nhận dạy hai lớp thôi, 3 buổi một tuần cho mỗi lớp, dạy nhiều quá không có thời gian... chơi.

Thật mỉa mai, tôi cũng biết một người tôi rất yêu kính, với 6 năm học y, 3 năm chuyên khoa I, 3 năm chuyên khoa II, hiện đang giảng dạy cho các sinh viên y khoa. Lương giáo sư chính thức thì miễn bàn, vì... nhiều lý do. Ở đây, tôi muốn so sánh tương đương khi vài trường dân lập tương tự như trường mà vị "giáo sư" Triết kia đang dạy đã mời ông đến thỉnh giảng : 160.000 VNĐ cho mỗi tiết dạy.

Phải chăng vì là người Việt, giảng dạy trong chương trình Việt, không phải "quốc tế" nên một vị giáo sư chỉ được trả công bằng 1/3 một kẻ ngoại quốc thua hẳn ông vài cái đầu, tiếng Anh hàn lâm chắc chắn là hơn hẳn một kẻ chưa qua được Bachelor's degree?

Phải chăng vì học phí cho những chương trình Việt thua xa những chương trình "quốc tế" ? Phải chăng khi khoác áo ngoại kiều, lương sẽ được tính theo thang bậc khác bất kể có xứng đáng hay không?

Những bậc cha mẹ trả tiền cho con cái họ theo học những chương trình xa xỉ đó sẽ mong đợi gặt hái điều gì?

Những kẻ như tôi, dù luôn đạt điểm GPA 3.9-4.0 trong trường Đại học, nếu trở về VN sẽ được trả mức lương thế nào? Dù gì thì tôi cũng chỉ là một du sinh mang quốc tịch VN, mức lương 160.000 VNĐ hay 8 USD cho mỗi 45' chắc là mức mơ tưởng...

Buồn...